Other Recent Articles

'Đảng cần cải cách căn bản'

By Hội Thánh Điểm Báo on Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011 with 0 comments


Ông Võ Viết Thanh (phải) đón Tổng thống Bill Clinton trong chuyến thăm đến Thành phố Hồ Chí Minh năm 2000
Tài liệu Wikileaks mới tung ra cho thấy có quan chức cao cấp ở Việt Nam tỏ ra "thất vọng" trước sự trì trệ của Đảng Cộng sản trong tiến trình cải tổ ở Việt Nam.
Ông Võ Viết Thanh, cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh được trích lời nói với quan chức ngoại giao Hoa Kỳ hồi năm 2005 rằng Đảng Cộng sản cần 'cải cách căn bản' để chống tham nhũng, chấm dứt nạn 'Con ông cháu cha' và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Trong điện tín được tổng hợp từ Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 20/4/2005, ông Thanh cũng được dẫn lời thừa nhận rằng Đảng Cộng sản cần mở rộng quyền bỏ phiếu của người dân để họ có thể bầu những vị trí cao cấp nhất của Đảng và Chính phủ.
Ông Thanh, người cũng từng là Thứ trưởng Công an, nói Đảng Cộng sản "cần học cách tiếp nhận nhiều chỉ trích hơn nhiều so với hiện nay".
Bản thân ông thuộc lứa cách mạng từ thời trước 1975 và được phong anh hùng các lực lượng vũ trang của tỉnh Bến Tre từ thời chống Mỹ.
Vào thời điểm được trích lời năm 2005 ông cho hay đang nghiên cứu một đề nghị để định nghĩa lại về mặt pháp lý thế nào là bất đồng chính kiến và các "phần tử phản động" nhằm cho người dân có thêm không gian để có những chỉ trích có tính xây dựng đối với chính quyền.
Tuy nhiên, BBC không thể kiểm chứng được những điều này cũng như diễn tiến nếu có của việc 'nghiên cứu' đó, vốn chỉ được nêu ra trong điện tín Wikileaks lấy được từ phía ngoại giao Hoa Kỳ.
'Thân Trung Quốc'
Trong điện tín được tổng hợp từ Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 20/4/2005, ông Thanh cũng được dẫn lời thừa nhận rằng Đảng Cộng sản cần mở rộng quyền bỏ phiếu của người dân để họ có thể bầu những vị trí cao cấp nhất của Đảng và Chính phủ.
Lãnh sự quán Hoa Kỳ nói ông Thanh thể hiện những ý kiến của ông trong cuộc gặp với Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ hôm 18/4/2005.


Ông Võ Viết Thanh (mặc thường phục) hiện đã nghỉ hưu là bậc cha chú của các nhân vật an ninh sau này như Đại tướng Lê Hồng Anh (đứng bên trái ông)
Các quan chức lãnh sự nhận định ông Thanh là 'đệ tử' của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và là người thiên về cải cách kinh tế và xã hội trong Đảng Cộng sản.
Ông Thanh nói đa số các quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản đều thấy có những điểm chung về lợi ích với Hoa Kỳ về dài hạn và muốn có đối thoại chiến lược hơn do lo ngại về sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Tuy nhiên, ông nói rằng những nhân vật "thân Trung Quốc" và khối lý luận tư tưởng trong Đảng (Party ideologues) chống lại xu thế này.
Trong cuộc gặp hôm 18/4/2005, khi ông Thanh vừa có chuyến thăm Tây Nguyên trở về, ông nói chính phủ Việt Nam cũng đang phải giải quyết tình trạng các quan chức cấp tỉnh ngăn cản việc thực hiện hướng đi mới của Hà Nội trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế, tôn giáo và xã hội.
Có vẻ như nhận xét của cơ quan ngoại giao Mỹ về quan điểm của ông Võ Viết Thanh phù hợp với các phân tích về điều một số nhà quan sát gọi là "phái cải cách theo con đường Võ Văn Kiệt".
Sau 1975, khi làm lãnh đạo Đảng tại TPHCM, ông Võ Văn Kiệt là nhân vật có tư duy cởi mở trong mối quan hệ với những trí thức thuộc chế độ cũ cũng như cố gắng kết nối trở lại trong quan hệ với nước cựu thù Hoa Kỳ.
Cùng thuộc phái Nam Bộ Kháng chiến với ông Kiệt, điều dễ hiểu là ông Thanh chịu ảnh hưởng của nhân vật từng được cho là "kiến trúc sư" của cuộc cải cách mang tên Đổi Mới tại miền Nam và sau là của cả nước.
Ông Võ Viết Thanh, cựu ủy viên Trung ương Đảng và là một nhân vật chủ chốt trong Thành Ủy đầy quyền lực tại Sài Gòn từ 1986 đến 1991, giai đoạn thành phố này đi đầu tàu trong cải cách ở Việt Nam.
Nay đã nghỉ hưu nhưng hồi 2006, ông được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng nhì.
Hàng trăm tài liệu về Việt Nam đã được trang Wikileaks đưa ra trong ngày 25/8/2011 ghi nhận các quan sát của giới ngoại giao Mỹ tại Hà Nội và TPHCM về chính trường Việt Nam.
Nhiều chủ đề trong số này thực ra đã được dư luận trong và ngoài nước của người Việt biết đến và bàn thảo không công khai từ lâu nhưng đây là lần đầu tiên các bình luận được hệ thống hóa đầy đủ theo cách của ngành ngoại giao Hoa Kỳ.
Nhiều đánh giá có thể chỉ còn giá trị lịch sử hơn là thời sự nhưng các tài liệu này cũng cho thấy Hoa Kỳ theo dõi rất sát các xu hướng trong và ngoài hệ thống chính trị Việt Nam, và đánh giá rõ tính cách, quan điểm của các nhân vật liên quan vào từng giai đoạn.
BBC sẽ tiếp tục đưa tới quý vị những tin tức từ các tài liệu này trong những ngày tới đây.
BBC

Category: Tin Xã Hội

POST COMMENT

0 nhận xét:

Post a Comment