Other Recent Articles

Dân biểu Úc Luke Simpkins đi Việt Nam thăm các nhà dân chủ

By Hội Thánh Điểm Báo on Thứ Hai, 28 tháng 2, 2011 with 0 comments


Dân biểu Úc gặp Ms Nguyễn Hồng Quang 

Phỏng vấn của đài Chân Trời Mới với Dân Biểu Liên Bang Úc, Ông Luke Simpkins

(18/01/2009) Nhân chuyến công tác cùng phái đoàn của Quốc Hội Liên Bang Úc tại Việt Nam, trong tuần qua, Dân Biểu Liên Bang Úc Châu, ông Luke Simpkins thuộc Đảng Tự Do, đã thu xếp gặp riêng một số nhà dân chủ cũng như thân nhân của một số nhà dân chủ khác hiện đang bị giam cầm để tìm hiểu thêm về tình hình đàn áp nhân quyền, tôn giáo và tự do ngôn luận hiện nay tại Việt Nam. Nhân dịp này, đài CTM đã được Dân biểu Luke Simpkins dành cho một cuộc phỏng vấn vế chuyến công tác của ông tại Việt Nam. Sau đây, kính mời quý thính giả theo dõi cuộc phỏng vấn của Diễm Châu, đài CTM, với DB Luke Simpkins về chuyến đi vừa kể của ông

Đài Chân Trời Mới (Diễm Châu – CTM): Thưa ông dân biểu, có phải đây là lần đầu tiên ông đến Việt Nam không ạ?

Ông Luke Simpkins (LS): Đúng vậy. Đây là lần đầu tiên tôi đến VN, và tôi rất hài lòng có được chuyến viếng thăm này.

CTM: Thưa ông, như vậy thì cảm nhận đầu tiên của ông khi đến đó như thế nào?

LS: Vâng, cảm nhận của tôi là giao thông ở VN rất đông đúc, rất nhiều người dùng xe gắn máy nhỏ. Và phải nói thật là, giao thông ở đó cũng lộn xộn lắm.

CTM: Thưa ông, chuyến công tác Việt Nam lần này, ông đi cùng với phái đoàn Úc phải không ạ?

LS: Vâng, tôi là phó trưởng đoàn trong phái đoàn song phương của Úc tới Việt Nam, sau VN chúng tôi cũng sẽ tham dự một cuộc hội thảo ở Lào nữa.

CTM: Thưa DB Luke Simpkins, được biết bên cạnh những trách nhiệm chính thức của ông tại VN, trong chuyến đi này ông cũng đã dành thời gian gặp gỡ với một số nhà dân chủ cũng như các thân nhân của một số nhà hoạt động dân chủ khác hiện đang bị nhà cầm quyền Việt Nam cầm tù vì những hoạt động ôn hòa của họ. Vậy thưa ông, những buổi gặp gỡ vừa kể nhằm vào mục đích gì, và cảm nhận của ông như thế nào về những buổi gặp gỡ này?

LS: Vâng, tôi đã may mắn gặp được hai luật sư nhân quyền, cũng như một số chức sắc tôn giáo…..

CTM: Thưa ông, ông có thể cho biết là ông đã gặp những ai không ạ?

LS: Được chứ. Tại Sài Gòn, tôi đã gặp Luật Sư Lê Trần Luật, Mục sư Nguyễn Hồng Quang, và Mục sư Daniel Phan, cho tôi xin lỗi nếu tôi không phát âm tên họ được chuẩn lắm…

CTM: Không sao thưa ông, nghe được lắm.

LS: Ở Sài Gòn, chúng tôi nói chuyện về những gì đã xảy ra, những khó khăn của những người theo và hành đạo, cũng như của những người muốn lên tiếng đòi hỏi có nhiều quyền tự do hơn… tôi cũng hết sức thất vọng khi được biết về sự đàn áp của nhà cầm quyền và những khó khăn mà những người bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay đang phải chịu đựng.

CTM: Chắc rằng đây không phải lần đầu tiên ông được nghe về những thực trạng này. Trong bài phát biểu trước quốc hội Liên Bang Úc nhân ngày Tự Do Quốc tế, 15 tháng 9 năm ngoái, ông đã đề cập về những sự đàn áp nhân quyền tại VN. Giờ đây, khi đã chứng kiến thực trạng đàn áp ở Việt Nam, quan điểm của ông có thay đổi gì không?

LS: Vâng, như cô đã biết, tôi đã từng đề cập trước Quốc Hội Liên Bang Úc về vấn đề tôn trọng nhân quyền, tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng tại Việt Nam. Sau cuộc gặp gỡ ở Hà Nội với các thân nhân của các anh Ngô Quỳnh, Ông Vũ Hùng và Ông Nguyễn Xuân Nghĩa, cũng như với luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân, tôi đã hứa và bảo đảm với họ rằng, tôi sẽ tiếp tục đưa vấn đề về đàn áp nhân quyền, cũng như sự cần thiết phải có tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng tại Việt Nam ra trước Quốc Hội Úc. Đồng thời, tôi cũng đã bảo đảm với thân nhân của ba vị còn đang bị giam cầm tại Miền Bắc Việt Nam, là tôi sẽ đặt vấn đề này với chính quyền Việt Nam. Hôm thứ Năm tuần trước, ngày 8 tháng Giêng, tôi đã nói chuyện với ông Đào Trọng Thi, Chủ Nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo Dục – Thanh Thiếu Niên của Quốc Hội Việt Nam, và tôi đã hỏi ông Thi về ba vị đang bị giam cầm vừa kể. Tôi nói với ông Thi rằng nhiều người Việt tại Úc đã gặp gỡ tôi bày tỏ nỗi quan ngại sâu sa của họ là vì sao những nhà hoạt động ôn hòa đó lại bị giam cầm tù tội, và muốn rằng họ phải được trả tự do, hay ít ra chính phủ Việt Nam cũng phải cho thân nhân của họ được thăm viếng. Tôi đã hỏi ông Thi những điều này vào hôm Thứ Năm, 8 tháng giêng.

CTM: Vậy phản ứng của ông ta như thế nào?

LS: Ông Thi trả lời rằng, cùng với các thông tin được bổ túc mà Tòa Đại Sứ Úc đã cung cấp, ông sẽ liên hệ với các cơ quan trách nhiệm để xem xét yêu cầu của tôi. Dĩ nhiên câu trả lời mà tôi mong muốn từ Ông Thi là cho phép vợ, con của những nhà dân củ đang bị giam giữ đi thăm nuôi chồng và cha của họ. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta sẽ phải tiếp tục tận dụng những cơ hội này để lên tiếng áp lực với nhà cầm quyền Việt Nam, để họ biết rõ rằng người Úc rất quan tâm đến nhân quyền, tự do tín ngưỡng, và chúng tôi sẽ liên tục nhắc nhở họ về những việc như vậy. Đó là những điều rất quan trọng và họ cần thực hiện những thay đổi như thế tại Việt Nam.

CTM: Thưa ông, Như ông vừa nói, điều quan trọng là phải liên tục tạo áp lực đối với nhà cầm quyền Việt Nam, để họ phải tôn trọng những điều trên. Tôi được biết rằng, hàng năm Úc và Việt Nam có cuộc đối thoại nhân quyền; với những kinh nghiệm thực tế mà ông có được trong chuyến đi vừa qua, ông có nghĩ rằng ông sẽ đưa những vấn đề này ra trong cuộc đối thoại nhân quyền tới đây hay không, cụ thể là trên các lĩnh vực tự do phát biểu và tự do thông tin?

LS: Vâng, tôi đã nêu lên điều này với ông Đại Sứ cùng các nhân viên tòa Đại Sứ Úc tại Việt Nam, và họ đã hứa vả bảo đảm với tôi rằng họ sẽ thường xuyên đặt vấn đề về ba nhà dân chủ còn đang bị tù này cũng như tất cả các vị khác đang bị giam cầm ở cả hai Miền Nam, Bắc. Tôi tin chắc rằng chính phủ Úc đang đối thoại với nhà cầm quyền VN về các vấn đề này. Tuy nhiên với tư cách là thành viên Quốc Hội Úc, cũng như là một công dân của nước Úc, chúng tôi sẽ tiếp tục tận dụng càng nhiều cơ hội càng tốt để luôn nhắc chính phủ Việt Nam rằng, chúng tôi luôn quan tâm đến vấn đề tôn trọng nhân quyền; chúng tôi luôn quan tâm đến tự do ngôn luận, tự do hành đạo, và một tương lai tươi sáng hơn cho nhân dân Việt Nam.

CTM: Vâng, thật là tuyệt vời khi có một Dân Biểu Úc không chỉ quan tâm tới các vấn đề địa phương, mà còn mở rộng ra các vấn đề ở các nước xung quanh. Là một người Việt, tôi vô cùng cảm kích với những gì ông đang làm. Cuối cùng, ông có điều gì muốn chia sẻ với thính giả của đài hay không, thưa ông Simpkins?

LS: Tôi chỉ muốn nói rằng, chuyến công tác Việt Nam này của tôi thật là hữu ích. Mọi người đều thân thiện, đó là những kinh nghiệm tuyệt vời cho tôi. Nhưng cái nhìn của tôi là đất nước VN đã bị giam cầm và kéo ngược trở lại với thời gian bằng một hệ thống cầm quyền không cho phép người dân được tự do, sự tự do đầy đủ như chúng ta được hưởng tại Úc, và chúng ta cần luôn nhớ rằng, Việt Nam là đất nước đẹp đẽ, dân tộc Việt nam hiền hoà cần mẫn, nhưng VN sẽ tốt đẹp hơn nếu có một chính quyền tốt hơn. Đó là quan điểm của tôi. Tóm lại, đây là một chuyến công tác hữu ích, và tôi sẽ tiếp tục con đường đấu tranh cho tự do tại VN.

CTM: Tôi tin rằng quan điểm của ông không những chỉ được người VN chia xẻ, mà chắc chắn là rất nhiểu người Úc khác cũng chia xẻ quan điểm này. Xin cám ơn ông đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn ngày hôm nay. Chúc ông một chuyến bay về nước an toàn.

LS: Xin cảm ơn. Tôi cũng mong về lại Úc sớm và có dịp được nói chuyện trực tiếp những người bạn Việt Nam của tôi ở Perth để kể cho họ biết về những cuộc gặp vừa rồi của tôi.


CTM: Xin cảm ơn ông Dân Biểu Luke Simpkins.

Category: Tin Xã Hội

POST COMMENT

0 nhận xét:

Post a Comment